Nữ quản lý CNTT: Sáng tạo, mềm mỏng nhưng quyết đoán!

Tin tức

Nữ quản lý CNTT: Sáng tạo, mềm mỏng nhưng quyết đoán!


Có “tài” và có “tâm”

Bà Đỗ Thị Ngọc Dung, Giám đốc cấp cao bộ phận CNTT Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam, xuất thân làm lập trình viên trong một công ty phần mềm. Bà Dung cho biết: “Quá trình làm việc, tôi may mắn được làm việc với nhiều phòng ban khác nhau, tham gia các dự án bảo hiểm, phân tích thiết kế hệ thống. Tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, bảo hiểm và CNTT. Sau đó, từ vị trí quản lý cấp trung, tôi được lãnh đạo tin tưởng, quan tâm, cùng sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nên được giao ở vị trí hiện nay”

.

Hiện, bà Dung đang quản lý 5 bộ phận chuyên trách về CNTT: Phân tích nghiệp vụ (BA - Business Analyst), Lập trình ứng dụng (Application Development), Cơ sở hạ tầng (Network & Infrastructure), Quản lý hệ thống và Trung tâm dữ liệu (System Management & Data Center), Bảo mật & Quản lý chất lượng (IT Quality & Security Assurance).

“Nghề nghiệp nào cũng vậy, muốn thành công, trước hết bạn phải nắm vững kiến thức chuyên môn, có khả năng quan sát và học hỏi để tiến bộ trong công việc. Quan trọng không kém là cần có chữ “Tâm” để có thể làm việc lâu dài, ổn định và phát triển bền vững”, bà Dung chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng Ân, Trưởng phòng CNTT Ngân hàng TMCP Việt Á (Vietabank) cho biết: “Từ khi vào nghề, tôi đã hiểu rõ công việc, ý thức được việc mình làm trong lĩnh vực CNTT đòi hỏi phải có tâm, tận tụy, vận dụng kiến thức và tư duy sáng tạo. Điều đó cũng là những thử thách đối với phụ nữ.”

Với việc quản lý 45 nhân viên, bà Ân đã xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, thoải mái. Để mọi người hướng đến mục tiêu chung, việc quan tâm giúp đỡ các đồng nghiệp và những lời động viên, khen thưởng kịp thời cũng là việc nên làm.

   

“Làm sao để cân bằng gia đình và công việc mới là điều quan trọng, chứ không phải là những tấm huy chương cho sự nghiệp lấp lánh trước ngực song hành cùng một khoảng trống hậu phương hụt hẫng phía sau”
Bà Đỗ Thị Ngọc Dung, Giám đốc cấp cao bộ phận CNTT Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam

Lấn sân “lãnh địa nam giới”

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã xem ứng dụng CNTT như là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của công ty, bởi nó đem lại lợi ích cho công việc, gia tăng những dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Song, bên cạnh những lợi ích thì CNTT cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, có thể làm tê liệt toàn bộ hoạt động DN, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, uy tín của công ty. Do đó, DN phải không ngừng đầu tư, cải tiến hệ thống CNTT, với các thiết bị phần cứng, phần mềm… Các khoản đầu tư này rất lớn mà hiệu quả đem lại là vô hình, chưa thể thấy được ngay nên đòi hỏi các nhà quản lý phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Bà Dung nhận định: “Nhờ những tiến bộ trong CNTT, nhiều thiết bị, công nghệ mới liên tục ra đời. Có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng cũng đòi hỏi cần tỉnh táo xem xét để đảm bảo việc đầu tư cho CNTT một cách hiệu quả. Thiết bị công nghệ đó giúp ích gì cho tổ chức DN? Hệ thống hiện tại có đáp ứng đủ nhu cầu làm việc, đem lại những tiện ích cho đại lý và khách hàng? Trong trường hợp cần đầu tư mới công nghệ, các yếu tố cần xem xét như tính năng, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, vòng đời sản phẩm, hệ số thu nhập so với đầu tư (ROI), kiểm tra và nghiệm thu kỹ lưỡng để lường trước những rủi ro đối với các thiết bị mới…”

Bà Ân nói: “Khi mới vào vị trí này, tôi rất băn khoăn lo lắng, vì đây là một công việc mới và lạ được xem là phù hợp với nam giới. Nhưng khi nhiệm vụ đến tay thì phải cố gắng làm. Tôi có may mắn là được Ban Giám đốc tạo điều kiện cùng với cố gắng của bản thân, tự mày mò học thêm sách vở và đồng nghiệp. Do vậy, tôi tự tin gắn bó với nghề đã hơn 10 năm.”

Theo bà Ân, người quản lý CNTT không đơn thuần như trước đây là đảm bảo vận hành được hệ thống một cách suôn sẻ mà phải am tường cả trọng trách tương tác giữa “kỹ thuật và kinh doanh”. Từ đó, mở ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hữu ích cho việc cạnh tranh (chẳng hạn như những dịch vụ ngân hàng hiện đại, giao dịch thương mại điện tử…), và đặc biệt là mở rộng giao dịch với thị trường trong và ngoài nước. Thách thức lớn trong tương lai là phải đương đầu với các đối thủ có bề dày trên mọi lĩnh vực: quản lý, trình độ công nghệ, hệ thống quản lý rủi ro…

   

“Phụ nữ làm lãnh đạo CNTT cũng có những điểm yếu. Tính quyết đoán có thể không như nam giới, giải quyết công việc thường thiên về tình cảm nhiều hơn. Tuy vậy, trong quá trình công tác khi gặp khó khăn, tôi luôn hướng đến mục tiêu chung, mang lợi ích cho tổ chức và khách hàng. Do đó, vừa phải mềm mỏng vừa phải “quyết liệt”. Đó cũng là vũ khí sắc bén nhất của phụ nữ” Bà Lê Thị Hồng Ân, Trưởng phòng CNTT Ngân hàng TMCP Việt Á.

Không áp đặt!

Không chỉ là lĩnh vực CNTT mà bất cứ lĩnh vực nào, bạn cũng đều đối diện với những khó khăn và thử thách trong công việc. Đặc biệt, CNTT là nơi cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho các hoạt động của công ty.

Theo bà Dung, điều lo lắng nhất là những sự cố liên quan đến CNTT có thể gây ảnh hưởng cho hoạt động của công ty. Những kịch bản, thảm hoạ phải luôn được tính toán kỹ và kiểm tra thường xuyên tất cả các yếu tố để đảm bảo hoạt động được liên tục trong bất kỳ tình huống nào. “Có thể nói, tôi may mắn là đang được làm việc trong môi trường năng động, các đồng nghiệp rất chuyên nghiệp, nhiệt tình, luôn hướng tới mục đích chung nên giải quyết những vấn đề khó khăn thường cho kết quả tốt.”

Với bà Ân thì những tình huống khó khăn là những việc xảy ra đột biến, ngoài dự đoán. “Tôi nghĩ người lãnh đạo nào cũng phải đối mặt với vấn đề này, bất kể là nam hay nữ vì có thể đôi lúc có những quyết định chưa chính xác. Quan điểm của tôi là không áp đặt! Người lãnh đạo là người định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy. Trước khi đưa ra quyết định, vấn đề cần phải được bàn bạc kỹ và phải được đa số thống nhất thông qua. Tùy vào sự việc xảy ra ở mức độ nào và phạm vi ảnh hưởng, tôi sẽ quyết định hoặc chia sẻ cùng với người mà tôi thấy phù hợp (đồng nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo)”.

Hậu phương vững chắc


Ngoài công việc thì gia đình rất quan trọng, là chỗ dựa tinh thần và là động lực để người phụ nữ có nhiều đóng góp hơn.

Bà Dung cho rằng, chăm sóc gia đình không phải là trách nhiệm nặng nề mà chính là hạnh phúc và may mắn của người phụ nữ. Do đó, không thể viện lý do “không có thời gian” để lơ là việc chăm sóc gia đình. “Tôi thường tranh thủ trò chuyện với con về bạn bè ở trường, lớp bất cứ lúc nào có thể (trên đường đưa con đi học, trước giờ đi ngủ…). Gia đình chính là điểm tựa để tôi yên tâm phát triển nghề nghiệp của mình. Hơn hết, chăm sóc gia đình vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu”.

Bà Dung cho biết thêm: “Tôi may mắn có ông xã là người cùng nghề nên hầu hết những khó khăn, ông xã đều hiểu và chia sẻ được, đôi khi còn tư vấn giúp tôi nhìn nhận và giải quyết vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn… Ở khía cạnh này, ông xã không những là người đồng cảm mà còn là đồng nghiệp nữa, dù không làm chung công ty”.

“Làm sao để cân bằng giữa gia đình và công việc mới là điều quan trọng, chứ không phải là những tấm huy chương cho sự nghiệp lấp lánh trước ngực song hành cùng một khoảng trống hậu phương hụt hẫng phía sau”, bà Dung nói.

Đồng cảm với vai trò và trách nhiệm này, bà Ân cho biết: “Tôi khá may mắn là gia đình luôn ở bên cạnh hỗ trợ tôi. Bản thân tôi ý thức là phải làm sao cân bằng gia đình và công việc. Phương châm “giữ lửa” trong nhà của tôi chỉ đơn giản là: đến nơi làm việc tạm quên gia đình, về gia đình tạm quên công việc cơ quan. Phải tách bạch rõ ràng như vậy, mình mới toàn tâm toàn ý cho vai trò gia đình và công việc.” 

Hồng Vinh

Theo pcworld.com.vn


Tin liên quan

Sản phẩm

Thông tin hỗ trợ

Online

Online Lượt truy cập