Cuộc chiến cá hộp

Tin tức

Cuộc chiến cá hộp


Sử dụng thực phẩm ăn liền hiện đang tăng nhanh, kéo theo sự phát triển của nhiều thực phẩm chế biến, trong đó có đồ hộp. Nhưng phần bánh lớn của thị trường này chỉ thuộc về doanh nghiệp có nội lực mạnh. 

 
 
 
Ngành sản xuất cá hộp Việt Nam
Nhiều ông thua "ba cô"
Sử dụng thực phẩm ăn liền hiện đang tăng nhanh, kéo theo sự phát triển của nhiều thực phẩm chế biến, trong đó có đồ hộp. Nhưng phần bánh lớn của thị trường này chỉ thuộc về doanh nghiệp có nội lực mạnh.
Sự gia tăng đột biến nhu cầu thực phẩm chế biến nói chung, nhu cầu về mặt hàng cá hộp nói riêng trong thời gian gần đây một phần được lý giải bởi nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm thay thế trong thời điểm xảy ra dịch cúm gà.
Mọi công ty đều tăng doanh số
 Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cá hộp đều có sự gia tăng doanh số đáng kể trong thời gian gần đây. Nếu trong quý 1.2003, doanh số nội địa mặt hàng cá hộp hiệu Two Dragons của công ty Highland Dragon chỉ đạt 1,4 tỉ đồng thì quý 1.2004, con số này đã lên tới 3,5 tỉ đồng. Tương tự, công ty Seaspimex đã đạt doanh số hơn 2,3 tỉ đồng trong quý 1.2004 đối với mặt hàng cá hộp so doanh số chỉ hơn 1,7 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Một thực tế là nhịp sống công nghiệp, mối quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng tìm đến với những loại thực phẩm mất ít thời gian bếp núc, thực phẩm có chất lượng bảo đảm nhiều hơn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cá hộp đã đạt mức tăng trưởng từ 20% đến hơn 100%/năm. Cụ thể công ty Thai Royal (cá hộp hiệu Ba Cô Gái) đạt mức tăng trưởng trung bình 20-30%/năm.
Ông MongKol, giám đốc công ty Thai Royal nhận định: Với nhu cầu gia tăng như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này không cần làm một động thái tiếp thị gì thì mức tăng trưởng 10%/năm cũng đã nằm trong tầm tay.
Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường cá hộp và chủng loại cá hộp cũng ngày càng tăng. Chỉ riêng tại siêu thị Co-opmart Cống Quỳnh đã có tới 12 nhà cung cấp mặt hàng cá hộp với trên 60 sản phẩm khác nhau. Trong đó, có tới 28 loại cá hộp nhập khẩu mà hầu hết là từ Thái Lan, Malaysia, chiếm 20% doanh số mặt hàng cá hộp tại siêu thị này. Đại diện siêu thị cho biết: So với cách đầy vài năm, mặt hàng cá hộp hiện đã tăng gấp đôi, gấp ba về chủng loại lẫn nhà cung cấp.
"Ba cô" thống lĩnh
Điều đáng chú ý là hiện nay thị trường cá hộp nội địa đang nằm trong tay của một vài thương hiệu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù nguồn cá được đánh bắt từ biển Việt Nam và nhiều nhà sản xuất Việt Nam tự hào mình là người nắm rõ khẩu vị người Việt.
Cụ thể, chỉ với mặt hàng cá trích xốt cà và quá trình thâm nhập thị trường hơn 5 năm, công ty Thai Royal với mặt hàng cá hộp hiệu Ba Cô Gái (trước năm 2004 sản phẩm này được sản xuất từ công ty Pataya) đang chiếm hơn 70% thị phần của mặt hàng cá hộp. Doanh số trung bình mỗi tháng của công ty này đạt 600.000-700.000 USD.
Một thương hiệu nước ngoài khác, cá hộp Two Dragons (100% vốn của Mỹ), nhà máy đặt tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương; tham gia thị trường nội địa từ năm 2000 ở TP.HCM, từ năm 2002 bắt đầu mở rộng thị trường ra các tỉnh thì nay cũng đã chiếm được một thị phần đáng kể với thị trường rộng tới 50% tỉnh thành. Hiện lượng tiêu thụ nội địa của công ty chỉ chiếm 5% sản lượng của nhà máy, 95% còn lại được xuất đi Mỹ, Úc, Nhật... Và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam với mấy chục doanh nghiệp, chỉ còn chưa đầy 30% thị phần còn lại.
Thành công, vì sao?
 Có một thuận lợi của cá hộp hiệu Ba Cô Gái chính là thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam đang tập trung ở mặt hàng cá xốt cà. Ông Trần Hữu Hận, trưởng phòng kinh doanh công ty Seaspimex cho biết: Cá xốt cà đang là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng thích ăn nhất. Còn cá ngừ chất lượng cao và một số sản phẩm khác tuy được nước ngoài ưa chuộng nhưng người trong nước chưa quen khẩu vị, đồng thời giá thành cao nên được xuất nhiều hơn tiêu thụ nội địa. Còn bà Tạ Nữ Việt Hà, trưởng phòng kinh doanh của công ty Highland Dragons nhận định: Hiện nhiều doanh nghiệp chọn sản phẩm cá xốt cà làm sản phẩm chủ lực để cạnh tranh vì đây đang là nhóm mặt hàng được chuộng nhất.
Giải thích về sự thành công của sản phẩm cá hộp hiệu Ba Cô Gái, ông MongKol nói: Thành công của chúng tôi một phần nhờ đã xây dựng được một mặt bằng giá phù hợp.
Điều quan trọng nhất để tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp nước ngoài là các động thái tiếp thị quảng bá mạnh mẽ và nắm bắt cơ hội thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (công ty kinh doanh thủy hải sản APT) thừa nhận: Doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cũng như chưa có nhiều khả năng khuyến mãi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần lớn lại có ưu thế là sản xuất càng nhiều thì giá thành càng giảm. Và nhờ doanh số cao nên họ càng có nhiều kinh phí dành cho khuyến mãi.
Ông MongKol cho biết chi phí khuyến mãi cho cá hộp Ba Cô Gái chỉ chiếm chưa tới 3% doanh số và không hề có một sự hỗ trợ nào từ công ty mẹ. Thế nhưng người ta cũng tính ra được với doanh số gần 10 triệu USD/năm thì doanh nghiệp này cũng đã có tới gần 5 tỉ đồng dành cho khuyến mãi tiếp thị mỗi năm, đủ để lấn át các doanh nghiệp Việt Nam với tổng doanh số nội địa chỉ vài ba triệu USD.
 Theo thống kê của Thai Royal thì hiện nay cá hộp Ba Cô Gái đã phủ tới hơn 90% các xe bán bánh mì tại TP.HCM và nhiều tỉnh khác. Ông MongKol cho biết: Khi phat hiện người tiêu dùng Việt Nam có thói quen dùng bánh mì với cá hộp là công ty triển khai ngay một chiến dịch chiếm lĩnh mảng thị trường này. Và chỉ trong vòng 6 tháng, do không gặp đối thủ cạnh tranh nào nên Ba Cô Gái đã thành công một cách dễ dàng.
Ngoài ra, công ty này đã nghiên cứu để đưa ra sản phẩm cá hộp dùng ăn với cơm và hy vọng sẽ tạo ra thói quen sử dụng cá hộp trong bữa cơm ở người Việt Nam qua các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị... Một lần nữa, Ba Cô Gái lại đi trước các doanh nghiệp Việt Nam.
Vĩnh Phương- Quang Tâm
Thị phần của một số công ty có sản phẩm cá hộp
Công ty TNHH Thái Royal (cá hộp Ba cô):            56,2%
Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long:            26,4%
Vissan: 6,4%
Sumaco:            2,4%
Highland Dragons:          1,9%
Seaspimex:       1,3%
(Kết quả từ khảo sát của báo SGTT)


Tin liên quan

Sản phẩm

Thông tin hỗ trợ

Online

Online Lượt truy cập